Bối cảnh lịch sử Thảm_sát_Nam_Kinh

Cuộc xâm lược Trung Quốc

Tới tháng 8 năm 1937, giữa cuộc Chiến tranh Trung-Nhật, quân đội Nhật Bản gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ và chịu nhiều tổn thất trong Trận Thượng Hải. Trận đánh diễn ra đẫm máu và cả hai bên đều thiệt hại nặng nề trong những trận đánh giáp lá cà.

Ngày 5 tháng 8 năm 1937, Nhật hoàng Chiêu Hoà đích thân phê chuẩn lời đề nghị từ phía quân đội của ông ngừng tôn trọng luật pháp quốc tế đối với các tù binh chiến tranh Trung Quốc trong tay. Nghị định này cũng hướng dẫn các sĩ quan tham mưu ngừng sử dụng thuật ngữ "tù binh chiến tranh".[7]

Từ Thượng Hải tới Nam Kinh, binh lính Nhật Bản sau đó đã thực hiện nhiều hành vi tàn bạo, nổi tiếng nhất là cuộc thi chặt đầu 100 người. Cũng có nhiều hành động hung bạo khác từ phía người Trung Quốc chống lại những tù binh chiến tranh Nhật Bản.[8]

Tới giữa tháng 11, người Nhật đã chiếm Thượng Hải với sự trợ chiến của hải quân và không quân. Tổng tư lệnh Bộ tham mưu tại Tokyo đã quyết định không mở rộng thêm nữa cuộc chiến, vì số lượng tổn thất to lớn cũng như tinh thần đang suy sụp trong binh lính.

Áp sát Nam Kinh

Khi quân đội Nhật Bản áp sát Nam Kinh, thường dân Trung Quốc lũ lượt bỏ chạy khỏi thành phố, và quân đội Trung Quốc đưa ra thi hành một chiến dịch tiêu thổ kháng chiến,[9] với mục tiêu hủy hoại bất kỳ thứ gì có thể bị sử dụng bởi quân đội xâm lược Nhật Bản. Các mục tiêu bên trong và bên ngoài phạm vi thành phố như các trại lính, nhà cửa, Bộ thông tin Trung Quốc, rừng rú và thậm chí là toàn bộ các ngôi làng bị đốt cháy tận móng, ước tính giá trị của chúng lên tới 20 đến 30 triệu dollar Mỹ (1937).[10][11][12]

Yasuhiko Asaka

Ngày 2 tháng 12, Nhật hoàng Showa chỉ định chú của mình là hoàng tử Asaka, làm tư lệnh cuộc xâm lược. Rất khó biết, với tư cách thành viên gia đình hoàng gia, Asaka liệu có quyền uy tối cao đối với Matsui Iwane, người chính thức là tổng tư lệnh, nhưng rõ ràng vì ở trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp nhất, ông có quyền đối với các vị chỉ huy cấp sư đoàn, các trung tướng Nakajima KesagoYanagawa Heisuke.

An toàn khu Nam Kinh

Bài chi tiết: An toàn khu Nam Kinh

Nhiều người phương Tây đang sống trong thành phố ở thời điểm đó, là các thương nhân hay nhà truyền giáo cho nhiều tôn giáo khác nhau. Khi quân đội Nhật Bản bắt đầu các phi vụ ném bom vào Nam Kinh, đa số người phương Tây và toàn bộ các phóng viên đều quay về nước chỉ trừ 22 người, gồm cả doanh nhân John Rabe của tập đoàn Siemens (có lẽ vì tư cách một nhân vật Phát xít và Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản song phương Nhật-Đức), ông đã ở lại và thành lập ra một ủy ban, gọi là Ủy ban Quốc tế về An toàn khu Nam Kinh. Rabe được bầu làm lãnh đạo ủy ban này. Ủy ban đã lập ra An toàn khu Nam Kinh ở khu vực phía tây thành phố. Chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận không tấn công vào những vùng không có quân đội Trung Quốc chiếm giữ của thành phố, và các thành viên Ủy ban Quốc tế về An toàn khu Nam Kinh đã tìm cách thuyết phục chính phủ Trung Quốc rút lui toàn bộ binh sĩ của họ ra khỏi khu vực.

Người Nhật quả thực đã tôn trọng An toàn khu tới một mức độ nào đó; không một quả đạn pháo nào rơi vào khu vực này chỉ trừ vài viên đạn lạc. Trong thời gian hỗn loạn sau cuộc tấn công vào thành phố, một số người đã bị giết hại trong An toàn khu, nhưng những hành động bạo lực xảy ra trong khu vực này thấp hơn rất nhiều so với các nơi khác về mọi phương diện.

Bao vây thành phố

Ngày 7 tháng 12, quân đội Nhật Bản ra một sắc lệnh cho tất cả binh lính, cho rằng hành động chiếm giữ một thủ đô nước ngoài là sự kiện chưa từng có với Quân đội Nhật Bản, vì thế tất cả những binh sĩ "phạm bất kỳ hành vi sai trái nào", "làm mất danh dự quân đội Nhật Bản", "cướp bóc", hay "để hỏa hoạn cháy lan, thậm chí vì lý do bất cẩn" sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.[13] Quân đội Nhật Bản tiếp tục tiến về phía trước, chọc thủng những giới tuyến cuối cùng của quân kháng chiến Trung Quốc, và tới sát ranh giới thành phố Nam Kinh ngày 9 tháng 12. Vào buổi trưa, quân đội thả truyền đơn vào thành phố, hối thúc Nam Kinh đầu hàng trong 24 giờ:[14]

Quân đội Nhật Bản, với sức mạnh 1 triệu quân, đã chinh phục Changshu (Thường Châu). Chúng tôi đã bao vây thành phố Nam Kinh... Quân đội Nhật Bản sẽ không khoan dung với những kẻ phản kháng, trừng phạt chúng nghiêm khắc nhất, nhưng sẽ không gây hại tới những thường dân vô tội cũng như những binh sĩ trong quân đội Trung Quốc những người không kháng cự. Mong ước cao nhất của chúng tôi là bảo vệ nền văn hóa Đông Á. Nếu quân đội Trung Quốc tiếp tục kháng cự, chiến tranh tại Nam Kinh là không thể tránh khỏi. Nền văn hóa đã kéo dài hơn một nghìn năm sẽ chỉ còn là tro tàn, và chính phủ đã tồn tại từ hơn một thập kỷ nay sẽ bị đập tan. Bản sắc lệnh này được gửi dưới danh nghĩa Tổng tư lệnh Quân đội Nhật Bản. Hãy mở cửa thành phố Nam Kinh theo cách hòa bình, và tuân theo những huấn lệnh dưới đây.[13]

Quân đội Nhật Bản chờ đợi câu trả lời. Tới 1 giờ chiều ngày hôm sau, khi không thấy phái đoàn Trung Quốc nào, Tướng Matsui Iwane ra lệnh dùng vũ lực chiếm Nam Kinh. Ngày 12 tháng 12, sau hai ngày tấn công của quân đội Nhật Bản, với pháo binh dồn dập và những cuộc ném bom từ trên không, Tướng Tang Sheng-chi ra lệnh quân sĩ rút lui. Diễn biến tiếp theo là sự hỗn loạn. Một số binh lính Trung Quốc vứt bỏ binh phục đóng giả thường dân để trốn tránh, nhiều người khác bị sĩ quan bắn vào lưng khi tìm cách trốn chạy.[10] Những người đã ở bên ngoài thành phố bỏ chạy về phía bắc tới sông Dương Tử, chỉ để thấy rằng không còn một chiếc thuyền nào đợi ở đó để cứu họ. Một số người nhảy xuống làn nước mùa đông và chết đuối.

Ngày 13 tháng 12, người Nhật tiến vào thành phố Nam Kinh, không gặp bất kỳ một sự kháng cự quân sự nào.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thảm_sát_Nam_Kinh http://jds.cass.cn/UploadFiles/2010/11/20101104101... http://www.china.com.cn/english/2003/Dec/83437.htm http://neverforget.sina.com.cn/ http://www.hprc.org.cn/pdf/DSZI200603018.pdf http://www.modernchina.org.cn/UploadFiles/zyqk/201... http://ocn.amikai.com/amiweb/browser.jsp?f_color=0... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/402618 http://edition.cnn.com/2005/WORLD/asiapcf/08/24/ch... http://www.cnn.com/WORLD/9609/23/rare.photos/ http://www.geocities.com/nankingatrocities/Fall/fa...